Viêm nang lông ở lưng tuy không phải là một bệnh trạng nguy hiểm nhưng lại là vấn đề hay gặp, ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ. Một số trường hợp viêm lỗ chân lông ở lưng còn hay tái phát hoặc kéo dài trở nặng khiến người bệnh mệt mỏi.
1. Viêm nang lông ở lưng là gì?
Nang lông là một túi nhỏ, bao bọc phần chân lông ở dưới da và tiếp cận với tuyến bã, nó có thể xuất hiện ở bất kì vị trí nào của cơ thể, kể cả vùng lưng (nhưng trừ lòng bàn tay, lòng bàn chân, môi và niêm mạc). Mỗi nang lông gồm 3 phần: miệng nang lông thông với bề mặt da, cổ nang – phần hơi thắt lại dưới miệng nang lông và phần còn lại dài nhất ăn sâu xuống phần hạ bì của da.
Viêm nang lông nói chung hay viêm lỗ chân lông ở lưng nói riêng xảy ra khi nang lông ở lưng bị nhiễm bệnh, thường gặp nhất là viêm nang lông do nhiễm Staphylococcus aureus (tụ cầu khuẩn), ngoài ra còn có thể gặp viêm nang lông do các loại nấm và vi khuẩn khác, virus cũng một số biến thể của viêm nang lông khác.
2. Triệu chứng viêm nang lông lưng
Dấu hiệu và triệu chứng của viêm nang lông ở lưng có thể khác nhau tùy vào loại nhiễm trùng:
2.1. Viêm nang lông bề mặt
Viêm nang lông bề mặt ở lưng bao gồm tất các loại viêm nhiễm ở phần miệng của nang lông, có thể gây ra các bướu nhỏ mọc thành cụm quanh nang lông, mụn nước hoặc mủ kèm vảy tiết do mụn vỡ để lại, ban đỏ da, ngứa, đau.
2.2. Viêm nang lông sâu ở lưng
Viêm nang lông sâu là viêm từ phần trong da của nang lông và ảnh hưởng đến hết cả nang lông. Lúc này có thể gặp các triệu chứng sau:
- Nang lông sưng tấy;
- Mụn nước hoặc mủ;
- Vảy tiết, đau, có thể để lại sẹo.
3. Nguyên nhân gây viêm lỗ chân lông ở lưng
Da chính là nơi cư ngụ của hơn 500 loài vi khuẩn khác nhau, trong đó bao gồm những vi khuẩn có lợi và hại cho da. 2 loại vi khuẩn này tác động qua lại lẫn nhau tạo nên sự cân bằng vi sinh trên da giúp cơ thể chống lại mối đe dọa từ bên ngoài. Nhưng khi có yếu tố tác động làm mất đi sự cân bằng này hoặc khi vùng da tại chỗ bị tổn thương dẫn đến sự miễn dịch tại chỗ của da bị giảm đi thì tình trạng viêm nhiễm các thành phần ở da có khả năng cao sẽ xuất hiện. Nang lông cũng là một thành phần của da và sẽ chịu tác động tương tự như vậy.
Các nguyên nhân làm viêm lỗ chân lông ở lưng thường gặp là:
- Sự ma sát mạnh hoặc thường xuyên do mặc quần áo bó sát, vải thô cứng vào da vùng lưng;
- Cạo/ tẩy lông vùng lưng thường xuyên;
- Vệ sinh da vùng lưng không thường xuyên hoặc bị chà sát quá mạnh khiến cho lỗ chân lông vùng lưng bị tổn thương;
- Tuyến bã nhờn, mồ hôi trên da vùng lưng tăng hoạt động quá mức làm cho lỗ chân lông bị tắc lại, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, nấm, virus sinh sôi;
- Tình trạng viêm nhiễm của các thành phần gần nang lông như viêm da, mụn trứng cá ở lưng;
- Tổn thương vùng da ở lưng như trầy xước, vết thương sau phẫu thuật,…;
- Lông mọc ngược cuộn tròn vào trong dẫn đến viêm nang lông lưng;
- Do tắm nước quá nóng: Tắm nước nóng khiến da cũng như nang lông bị kích thích. Hơn nữa trong bồn tắm nóng còn tồn tại vi khuẩn Pseudomonas gây ra viêm nang lông lưng.
- Do sử dụng kháng sinh, steroid hoặc các sản phẩm chứa steroid trong thời gian dài;
- Tiểu đường, bệnh bạch cầu mãn tính, cấy ghép nội tạng và HIV/ AIDS có thể làm tăng nguy cơ bị viêm nang lông lưng do hệ miễn dịch toàn thân bị suy giảm.
4. Điều trị viêm nang lông ở lưng
Viêm lỗ chân lông ở lưng mức độ nhẹ, chưa xuất hiện mụn nhọt có mủ hoàn toàn có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên nếu viêm nang lông ở lưng nặng, các triệu chứng nghiêm trọng hơn (nốt viêm vỡ ra nhiễm trùng lan rộng, mụn mủ, nhọt, sốt cao mệt mỏi,…) hoặc tình trạng viêm nang lông kéo dài, tái phát lại nhiều lần thì bạn nên đến các cơ sở y tế để được khám và đưa ra phương pháp xử trí thích hợp.
4.1. Viêm nang lông ở lưng và cách điều trị tại nhà
- Chườm khăn ấm: Một trong các cách đơn giản nhất và rất dễ thực hiện, hiệu quả để điều trị viêm lỗ chân lông ở lưng là chườm khăn ấm. Việc này sẽ giúp lưng của bạn giảm đi sự khó chịu, giảm sưng đau do viêm nang lông gây ra, thúc đẩy quá trình thoát nước để đào thải các thành phần độc hại ra ngoài. Dùng khăn mềm nhúng vào nước ấm 60-70 độ C, vắt ráo bớt nước và đắp lên vùng lưng 15 phút. Mỗi ngày có thể thực hiện phương pháp này từ 2-3 lần.
- Viêm nang lông lưng và cách điều trị bằng dầu dừa: Sử dụng dầu dừa là một trong những phương pháp được áp dụng khá nhiều vì sự lành tính và hiệu quả mà nó mang lại khá cao. Dầu dừa có thể giúp da vùng lưng giảm mất nước, mềm da, hỗ trợ chữa lành các tổn thương và tái tạo tế bào giúp tình trạng viêm lỗ chân lông ở lưng nhanh hồi phục hơn. Dùng 2- 3 muỗng dầu dừa thoa trực tiếp một lớp mỏng lên nơi các nang lông vùng lưng bị viêm, để yên trong 10-15 phút rồi rửa sạch bằng nước mát.
- Điều trị bằng lá trầu không: Lá trầu không tính ấm, vị cay, mùi thơm gắt, có tác dụng giúp thông hành khí huyết, tiêu viêm, sát trùng, trừ phong thấp. Tinh dầu trầu không còn chứa các dẫn xuất phenol và kháng sinh tự nhiên giúp đẩy lùi các triệu chứng của viêm nang lông ở lưng. Cho 1 nắm lá trầu không + 2 muỗng muối hạt vào 2 lít nước đun đến sôi, dùng nước đã đun để tắm rửa vệ sinh cho vùng lưng.
- Viêm nang lông ở lưng và cách điều trị bằng bã cà phê: Bã cà phê có khả năng kháng khuẩn và loại bỏ tế bào chết, làm sạch lỗ chân lông. Để thực hiện phương pháp này bạn cần chuẩn bị khoảng 4 thìa bã cà phê + 4 thìa sữa tươi không đường, trộn đều và thoa hỗn hợp này lên vùng da lưng cần điều trị. Vừa thoa vừa massage nhẹ nhàng và đợi khoảng 20 phút thì rửa sạch lại bằng nước. Tuy nhiên khuyến cáo bạn không nên sử dụng các phương pháp điều trị tại nhà này với viêm nang lông đã có kèm tổn thương da diễn tiến nặng, các nốt viêm vỡ ra, có mụn mủ, nhọt.
4.2 Viêm nang lông ở lưng và cách điều trị bằng thuốc tây y
Điều trị bằng thuốc được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa và tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, mức độ nghiêm trọng của viêm nang lông lưng, các loại thuốc thường được sử dụng là:
- Kháng sinh tại chỗ hoặc uống;
- Corticosteroid tại chỗ hoặc uống;
- Kháng nấm đường uống;
- Thuốc giảm ngứa (chống ngứa) bôi hoặc uống.
Khi điều trị bệnh nhân bị viêm nặng có các nhọt lớn, bác sĩ có thể điều trị can thiệp bằng cách rạch 1 đường nhỏ để giúp giảm đau, tăng tốc độ hồi phục, hạn chế để lại sẹo.
5. Các biện pháp phòng ngừa viêm nang lông ở lưng
Mặc dù không thể hoàn toàn ngăn ngừa viêm nang lông lưng xảy ra nhưng các biện pháp này có thể giúp bạn giảm nguy cơ bị bệnh:
- Tắm rửa, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nhất là ở lưng;
- Mặc quần áo rộng rãi thoáng mát, hạn chế mặc các chất liệu không thấm hút được mồ hôi;
- Hạn chế cạo, tẩy lông tại nhà. Cạo lông nên được thay bằng dao điện, hoặc đổi mới dao cạo trước khi sử dụng; đổi phương pháp tẩy lông an toàn, triệt để hơn;
- Uống nước từ 1,5 đến 2 lít nước/ ngày;
- Ăn uống lành mạnh với chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, nhiều trái cây, rau củ, hạn chế đồ dầu mỡ, béo ngọt.
- Không tự ý sử dụng thuốc bôi lên vùng lưng khi không có chỉ định của bác sĩ.
Tóm lại, viêm nang lông ở lưng không phải bệnh lý nguy hiểm nhưng gây ảnh hưởng lớn đến tính thẩm mĩ, sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Việc điều trị viêm nang lông nói chung sẽ ngăn ngừa những biến chứng của bệnh như sẹo, nhọt… giúp người bệnh tự tin và đảm bảo chất lượng cuộc sống.
Discussion about this post